Báo cáo từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm nay, Tập đoàn điện lực VN (EVN) lỗ thêm 13.000 tỷ đồng, sau khi vừa công bố con số lỗ của năm 2023 là 26.770 tỷ đồng và năm 2022 là 20.700 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến nay, EVN đã lỗ lũy kế 60.400 tỷ đồng.
EVN kỳ vọng lợi nhuận cuối năm nay sẽ dương, kéo số lỗ giảm xuống khoảng 10.000 tỷ đồng. (Trong ảnh: Nhân viên EVN hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả).
Với số lỗ 6 tháng đầu năm nay, lãnh đạo EVN cho rằng, đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái – ngưỡng lỗ 15.000-16.000 tỷ đồng. Cũng theo tập đoàn này, gần như tất cả chi phí đều được tiết kiệm ở mức tối đa.
Tuy nhiên, EVN kỳ vọng lợi nhuận cuối năm nay sẽ dương, kéo số lỗ giảm xuống khoảng 10.000 tỷ đồng, nhờ vào việc vận hành được thủy điện – nguồn điện giá rẻ nhất hiện nay.
EVN thừa nhận sẽ vẫn khó khăn khi đang vận hành theo cơ chế đặc biệt, khi đầu vào theo giá thị trường, nhưng giá đầu ra Nhà nước quản lý. Hiện EVN chỉ còn nắm giữ trực tiếp hơn 10% nguồn điện và 27% gián tiếp qua các tổng công ty phát điện, còn lại là các công ty ngoài EVN.
Tức là, EVN có nhiều thời điểm phải mua nguồn giá cao từ các đơn vị khác, để bán lại cho người dân giá thấp hơn.
Trước bối cảnh này, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đánh giá, tài chính của EVN sẽ chưa hết khó khăn nếu chưa được điều chỉnh giá điện kịp thời. Năm 2023, giá điện bán lẻ bình quân đã tăng 2 lần với tổng mức tăng 7,5%, tương đương tăng hơn 142,35 đồng/kWh từ mức 1.920,3 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT). Mức tăng này được đánh giá chỉ giúp EVN giảm lỗ, chứ chưa giải quyết được tình hình tài chính của tập đoàn này.
Trong chỉ đạo kiểm soát giá cả cuối năm, Thủ tướng đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, báo cáo, đề xuất cụ thể lộ trình gắn với mức độ và dự kiến thời điểm thực hiện điều chỉnh giá điện, làm sao để không ảnh hưởng đến ý nghĩa tăng lương từ 1/7.
Trong khi đó, từ tháng 5 năm nay, việc điều chỉnh giá điện sẽ thực hiện theo Quyết định 05. Quyết định này quy định rõ mức điều chỉnh tăng giảm theo biến động đầu vào.
Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu ít tác động vào nền kinh tế những tháng cuối năm, có thể nghiên cứu điều chỉnh ở ngưỡng thấp nhất là 3 – 5% giá bán điện bình quân hiện hành. Ở mức này, EVN sẽ được chủ động quyết định và lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát.
Còn trong báo cáo đánh giá tác động tình hình kinh doanh của EVN, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, EVN cần tăng giá bán lẻ điện trong năm 2024-2025 ít nhất 5% (tương ứng 100 đồng/kWh) để có thể hòa vốn.
Tuy nhiên, vấn đề tăng giá bao nhiêu chỉ là giải pháp tình thế. Cần sớm đưa giá điện theo thị trường. Nếu không, tình hình tài chính của EVN vẫn tiếp tục là bài toán đau đầu cho cả EVN, nhà quản lý và người dân.
Bởi lẽ, việc thực hiện giá mua điện theo cơ chế thị trường và giá bán điện lại theo quy định của Chính phủ sẽ dẫn đến EVN ngoài việc không thu hồi đủ vốn để tái sản xuất, còn tiếp tục thua lỗ lớn. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu điện cho nền kinh tế do không thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào nguồn và lưới điện.
Theo lộ trình, chúng ta sẽ có thị trường bán lẻ điện từ năm 2023 – cơ sở cho giá điện theo thị trường. Thế nhưng đến nay, thị trường bán buôn điện cạnh tranh (được đưa vào vận hành chính thức từ ngày 1/1/2019) còn chưa định hình rõ ràng. Hiện vẫn chỉ có người mua duy nhất là EVN (5 đơn vị mua buôn điện ngoài EVN đều là các tổng công ty điện lực 100% vốn của EVN).
Việc định hình thị trường điện cả về bán buôn cạnh tranh và bán lẻ cạnh tranh muộn hơn dự kiến cũng là yếu tố khiến giá điện hiện vẫn còn “bao cấp”.
(Nguồn: Báo Giao Thông)