Để đẩy nhanh lộ trình giảm phát thải ròng về mức 0 (Net Zero) vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tham gia chứ không chỉ dừng lại ở mức độ tìm hiểu. Bên cạnh đó, thị trường cần những “cú hích” chính sách mạnh mẽ, minh bạch, đồng nhất, có tầm nhìn dài hạn và cần phải có tính thực tế.
- Vốn xanh chảy chậm chờ cơ chế
- Chuyển đổi khu công nghiệp: hành trình xanh cho kinh tế tuần hoàn
- Lộ trình zero phát thải dưới góc nhìn tư vấn phát triển bền vững
- Đón làn sóng thương mại và đầu tư sau cuộc chuyển dịch lớn từ Đài Loan
Nền kinh tế phụ thuộc vào than đá
Báo cáo nghiên cứu Chỉ số Net Zero các nền kinh tế năm 2022 của PwC, đo lường mức độ tiêu thụ năng lượng so với GDP và hàm lượng carbon của năng lượng đó, đánh giá Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc vào than đá và hiện còn cách khá xa so với đích đến trong lộ trình cân bằng giảm phát thải carbon, xếp chung nhóm với một số quốc gia như Bangladesh, Philippines, Pakistan…
“Sự phát triển kinh tế của các nước này trong thập kỷ qua được thúc đẩy một phần bởi than đá và đây là những rủi ro lớn nhất khi quốc gia bị mắc kẹt giữa tài nguyên cạn kiệt và biến đổi khí hậu”, báo cáo đánh giá.
Trong khi đó, nhóm các nền kinh tế khác được đánh giá tích cực hơn là “có tiến triển”, có thể kể đến Úc, Trung Quốc, Malaysia, New Zealand, Hàn Quốc và cả Thái Lan. Hầu hết các quốc gia này vẫn tạo ra nhiều khí thải carbon, nhưng đang duy trì động lực phát triển đầy hứa hẹn, có sự tiến bộ “đáng khích lệ về hướng đi và tốc độ”.
Trong nhóm 10 nước ASEAN, đã có 8 quốc gia công bố mục tiêu quốc gia đạt được trong việc phát thải ròng khí nhà kính hoặc trung hòa carbon vào năm 2050, riêng Indonesia cam kết vào năm 2060, còn Philippines không đưa ra cam kết Net Zero.
Với Việt Nam, cam kết về Net Zero tại diễn đàn COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu), được xem là “táo bạo và mạnh mẽ”, nhưng lộ trình cụ thể như thế nào thì vẫn chưa được làm rõ.
Nhưng hệ quả chính sách rõ nhất đến nay là Quy hoạch điện VIII chính thức được thông qua hồi tháng 5, sau 2 năm liên tục bị trì hoãn. Sau COP26, quy hoạch này đã được xem lại và chỉnh sửa theo hướng giảm tỷ lệ sử dụng than, tăng năng lượng tái tạo. Theo đó, quy hoạch dự kiến giảm tỷ trọng sử dụng than từ 19% tổng công suất trong năm 2030 xuống còn 4% năm 2050.
Một điểm nhấn mới khác là Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnerships – JETP) với nguồn vốn ban đầu trị giá 15,5 tỉ đô la. Đây là thỏa thuận tài chính đa phương nhằm giúp ngành năng lượng Việt Nam chuyển dịch, giải quyết hệ lụy xã hội trong quá trình trung hòa carbon.
Đằng sau những cam kết ở tương lai xa, lộ trình thực hiện đang là vấn đề lớn từ phía chính phủ và các thành phần tham gia trong nền kinh tế. “Sau COP26, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt nhận thức, biết rằng biến đổi khí hậu và phát thải khí nhà kính là vấn đề quan trọng cần triển khai sớm. Tuy nhiên kết quả cụ thể hiện nay vẫn chưa thấy nhiều”, ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG, Công ty quản lý quỹ VinaCapital, chia sẻ bên lề với KTSG Online tại hội nghị thượng đỉnh “Zero Carbon – Hero ESG” do Tạp chí NCĐT tổ chức hồi cuối tháng 6.
Cần tăng tốc vì đường còn rất dài
COP26 được xem là mốc thời gian quan trọng trong lộ trình Net Zero, khi từ khóa phát triển bền vững bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn, đồng thời cải thiện đáng kể về mặt nhận thức của giới doanh nghiệp, dù đa số đều cho rằng chưa biết bắt đầu từ đâu, làm như thế nào và hơn hết là “ngại” tốn tiền.
Từ nhận thức về khái niệm đến những động thái cụ thể để bước tiếp trong lộ trình Net Zero nói riêng và câu chuyện phát triển bền vững (với từ khóa ESG) lại là một khoảng cách còn rất lớn. Khảo sát của PwC tại Việt Nam cho thấy có khoảng 30% nói rằng doanh nghiệp có kế hoạch đưa phát triển bền vững vào hoạt động kinh doanh. “Con số thực tế triển khai thì còn thấp hơn nhiều”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam, chia sẻ tại tọa đàm trong hội nghị trên.
Chần chừ trong lộ trình phát triển bền vững hiện nay có thể xem là một bước thụt lùi, trong bối cảnh cả thế giới ganh đua nhau từng chút một, ngày càng nhiều khái niệm gắn với yếu tố “xanh”, từ đơn hàng xanh, nhà cung cấp xanh,… chứ không chỉ đơn thuần là tín dụng xanh. Các chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn đều tin rằng không doanh nghiệp nào nằm ngoài xu hướng này, dù mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau tùy từng lĩnh vực.
“Xanh hóa” đang là câu chuyện được nhắc đến nhiều ở các doanh nghiệp xuất khẩu. Khi làm ăn với quốc tế, yếu tố bền vững lại được nêu lên như là một yếu tố để cân nhắc lựa chọn đặt hàng. Nếu chậm chân đầu tư, nhiều chuyên gia lo ngại doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị bỏ rơi trong cuộc cạnh tranh thương mại toàn cầu. “Một số doanh nghiệp đã bắt đầu, nhưng tốc độ đang chậm quá. Mình đi càng sớm thì càng tận dụng được cơ hội, càng chậm thì chi phí chuyển đổi càng cao, thậm chí có khi mất cả cơ hội”, bà Vân chia sẻ với KTSG Online.
Cần đi nhanh hơn nhưng lộ trình giảm phát thải cũng không thể nào vội vã, tính bằng ngày một ngày hai được. Đại diện VinaCapital ví von không thể ngủ dậy mà thấy doanh nghiệp bền vững ngay được, thay vào đó cần phải cải thiện và “tốt lên từng ngày”.
Đầu tư vào việc giảm phát thải là quá trình dài hạn, điển hình như câu chuyện của Vinamilk trải qua 20 năm đầu tư, đến nay mới có nhiều câu chuyện liên quan đến Net Zero để chia sẻ.
Tháng 5 vừa qua, Vinamilk công bố trang trại bò sữa Vinamilk Nghệ An đạt trung hòa carbon (theo tiêu chuẩn PAS2060:2014), đến từ việc cắt giảm phát thải trong sản xuất và cả trồng cây xanh để hấp thụ khí nhà kính trong nhiều năm qua.
Theo chia sẻ của ông Lê Thành Liêm, Giám đốc điều hành tài chính Vinamilk tại hội nghị Net Zero ở trên, nếu không đầu tư trong ngày hôm nay, trong vòng 5 năm tiếp theo doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng vì người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến cả chất lượng và môi trường. “Không còn cách nào khác, chúng ta phải thực hành ESG và câu chuyện tiếp theo là net zero”, ông bình luận.
Trong một báo cáo có liên quan của Nielsen, tăng trưởng doanh số bán lẻ các sản phẩm được dán nhãn ESG tăng vượt trội, gần 1,7% trong giai đoạn 2018-2022. Một khi người tiêu dùng quan tâm, các nhà sản xuất nói riêng và chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung sẽ phải đi theo.
Thị trường vốn cũng tương tự khi các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư cũng sẽ phải ưu tiên cho những đơn vị có ưu thế về giảm phát thải khí nhà kính. Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết ngày càng nhiều nhà cung cấp của các doanh nghiệp đa quốc gia được tiếp cận vốn với lãi suất rẻ hơn, nếu họ chứng minh được hoạt động ESG bằng dữ liệu rõ ràng.
Việc chuyển đổi hướng đi là bắt buộc, nhưng lộ trình net zero cần một cú hích mạnh mẽ để nền kinh tế phụ thuộc than đá có thể chuyển đổi nhanh hơn và mạnh mẽ hơn. “Vấn đề của Việt Nam là hành động, ít nhất bắt đầu bằng cách ban lãnh đạo phải đưa vào trong chiến lược của doanh nghiệp”, bà Vân nói.
Doanh nghiệp nào không chuyển đổi sẽ phải gánh chịu chi phí cơ hội, nhưng cũng không cần thiết phải bỏ quá nhiều tiền để chạy theo trào lưu thời thượng. Các doanh nghiệp nên đánh giá lại hiện trạng của mình, tìm kiếm những cơ hội để giảm thiểu việc sử dụng năng lượng, hay cải tiến quy trình tốt hơn để tiết kiệm năng lượng, cũng là một trong những hoạt động hướng đến việc trung hòa carbon, đại diện VinaCapital góp ý.
Vai trò quan trọng hơn được nhấn mạnh ở các nhà làm chính sách, vì việc chuyển đổi nền kinh tế cần nhiều nguồn lực cả bên ngoài và bên trong để hỗ trợ. “Chính sách đưa ra phải đồng nhất, minh bạch, có tầm nhìn dài hạn, có thể dự đoán được và phải thực tế”, ông Công nói.
Theo WorldBank, trong hai thập kỷ qua Việt Nam đã nổi lên là một trong những quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính (KNK) bình quân đầu người tăng nhanh nhất trên thế giới.Trong giai đoạn 2000 – 2015, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tăng từ 390 đô la Mỹ lên 2.000 đô la Mỹ thì lượng khí thải carbon dioxide (CO2) cũng tăng gần gấp bốn lần.Hơn nữa, phát thải KNK của Việt Nam gắn liền với tình trạng ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe con người và năng suất lao động đang hoành hành tại nhiều thành phố, đặc biệt là Hà Nội.Dự kiến cần đầu tư khoảng 368 tỉ đô la Mỹ (tính theo giá trị hiện tại ròng) trong giai đoạn 2022 – 2040 vào cơ sở hạ tầng, công nghệ mới và các chương trình xã hội để đảm bảo “chuyển dịch công bằng” hướng tới nền kinh tế phát thải ròng bằng “0” và có khả năng chống chịu với khí hậu.Tại COP26 ở Glasgow vào tháng 11-2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một loạt cam kết, trong đó có mục tiêu đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” vào năm 2050. Chính phủ đã bắt đầu sửa đổi quy hoạch và khung pháp lý với một kế hoạch hành động cho chiến lược tăng trưởng xanh. Khu vực tư nhân cũng đang bắt tay vào quá trình chuyển dịch năng lượng, với các khoản đầu tư kỷ lục về năng lượng mặt trời trong hai năm qua.
(Nguồn: https://thesaigontimes.vn)