NHỮNG BÀI HỌC THỰC TẾ VỀ ESG - CÔNG TY TNHH XÂY DỰNG, DỊCH VỤ & THƯƠNG MẠI DAEHO VINA

NHỮNG BÀI HỌC THỰC TẾ VỀ ESG

Tại các phiên tham luận của hội thảo “Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG – Làm gì, từ đâu?”, các chuyên gia đã chia sẻ rất nhiều những bài học thực tế về việc thực thi ESG trong doanh nghiệp.

Quản trị theo định hướng ESG, doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu?

Nhiều doanh nghiệp vẫn còn xem ESG là một khái niệm xa vời và tốn kém

Sáng 29/8, Hội thảo “Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG – Làm gì, từ đâu?” diễn ra tại TPHCM. Hội thảo này là sự kiện vệ tinh nằm trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn ESG Việt Nam 2024 do báo Dân trí tổ chức.

Hội thảo mang đến một bức tranh toàn cảnh về thực trạng quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG tại Việt Nam, chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu và những thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia hàng đầu sẽ chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đồng thời đưa ra những giải pháp thiết thực gắn liền với thực tế tại Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội, vươn tới thành công bền vững.

Tại phiên tham luận với chủ đề “Doanh nghiệp Việt liệu đã sẵn sàng thực thi ESG?”, PGS.TS Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM – cho rằng hiện nay các nhà đầu tư không chỉ mong muốn một doanh nghiệp tạo ra đủ lợi nhuận mà còn kỳ vọng tổ chức triển khai thực hiện hoạt động kinh doanh theo cách thức bền vững.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang ở trong một thế giới đầy biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ. Các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như thiếu vốn, đơn hàng, và chi phí vận chuyển gia tăng.

Báo cáo “ESG Readiness 2022” của PwC cho thấy 85% doanh nghiệp được khảo sát đã hoặc đang lên kế hoạch triển khai các sáng kiến ESG. Con số này cho thấy một sự thay đổi tích cực trong nhận thức của doanh nghiệp Việt về ESG. Theo báo cáo, chỉ 43% doanh nghiệp tin rằng họ đã sẵn sàng để thực hiện báo cáo ESG, cho thấy một khoảng cách đáng kể giữa nhận thức và hành động.

Quản trị theo định hướng ESG, doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu? - 1
PGS.TS Nguyễn Đức Trung với bài tham luận đầu tiên trong phiên tham luận (Ảnh: Hải Long).

Nhận thức về ESG đang tăng lên nhưng việc triển khai thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Báo cáo của UOB năm 2023 chỉ ra rằng chỉ có 1/3 công ty Việt Nam thực hiện báo cáo ESG một cách kỹ lưỡng và toàn diện. Còn theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có hiểu biết về ESG và chưa đến 10% có kế hoạch thực hiện báo cáo ESG trong tương lai gần.

“Nhiều SME vẫn còn xem ESG là một khái niệm xa vời và tốn kém. Họ chưa nhận thấy rõ ràng mối liên hệ giữa ESG và hiệu quả kinh doanh, cũng như chưa có đủ nguồn lực để đầu tư vào các hoạt động ESG”, ông Trung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo khảo sát của PwC, 43% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong việc hiểu rõ các yêu cầu về báo cáo ESG. Sự đa dạng của các tiêu chuẩn báo cáo ESG quốc tế khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp.

Kết luận, ông Trung cho rằng dưới góc độ chiến lược, thay vì xem ESG là một sáng kiến hoặc một hoạt động, nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên biến nó thành trọng tâm trong mọi hoạt động kinh doanh của tổ chức. “ESG không phải là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và cũng là cách thức tìm kiếm lợi nhuận ngay từ giai đoạn ban đầu khi triển khai”, ông Trung nói.

Lợi ích của báo cáo ESG: Không chỉ là xu hướng mà là sống còn

Tại bài tham luận với chủ đề “Các nghĩa vụ về quản trị trong Báo cáo ESG”, ông Giando Zappia, Chủ tịch Ủy ban Ngành Tài chính bền vững, EuroCham Việt Nam, cũng là thành viên Hội đồng cấp cao Diễn đàn ESG Việt Nam, lý giải về nguyên nhân khiến chữ G (Quản trị) lại thiết yếu trong báo cáo ESG.

Ông Giando Zappia chia sẻ rằng quản trị mạnh mẽ giúp quản lý rủi ro một cách hiệu quả và đảm bảo các hoạt động kiểm tra, sự cân bằng cũng như quy trình ra quyết định phù hợp để giảm khả năng vi phạm quy định và các hành vi phi đạo đức.

Ông cho rằng báo cáo minh bạch, hành vi có đạo đức và trách nhiệm giải trình sẽ giúp xây dựng niềm tin với các bên liên quan, góp phần tạo nên danh tiếng của công ty là chắc chắn và đáng tin cậy.

Quản trị theo định hướng ESG, doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu? - 2
Ông Giando Zappia, đại diện EuroCham, chia sẻ về câu chuyện quản trị trong thực thi ESG với những số liệu, câu chuyện cụ thể (Ảnh: Nam Anh).

Hoạt động quản trị tốt mà lồng ghép ESG vào chiến lược cốt lõi của công ty sẽ mang lại sự bền vững lâu dài và hiệu quả hoạt động tài chính tốt hơn nhờ khả năng chống chịu rủi ro tăng lên. Quản trị có trách nhiệm thúc đẩy hành vi đạo đức và sự liêm chính, đồng thời đóng vai trò là thành tố căn bản để công ty giải quyết các mối quan tâm về môi trường và xã hội.

“3 nguyên tắc nền tảng khi đề cập đến các thành tố thiết yếu của các thông lệ kinh doanh có trách nhiệm và bền vững để quản trị hiệu quả là minh bạch, trách nhiệm và sự tham gia của các bên liên quan”, ông Giando Zappia nhấn mạnh.

Bài tham luận của ông Giando cũng dẫn các ví dụ cụ thể liên quan tới câu chuyện thất bại trong quản trị của một số doanh nghiệp lớn, như trường hợp của Boeing với khủng hoảng rơi máy bay. Thất bại trong quản trị của doanh nghiệp này chính là việc Hội đồng quản trị của Boeing đã không giám sát đầy đủ trong quá trình xây dựng sản phẩm, cung cấp thông tin sai lệch cho các cơ quan quản lý và công chúng, hạ thấp vấn đề nghiêm trọng của các vấn đề…

Ngược lại, một ví dụ cho câu chuyện quản trị tốt được ông dẫn ra là Microsoft khi doanh nghiệp công nghệ này đã đưa các nguyên tắc ESG vào khung quản trị doanh nghiệp, thiết lập chuẩn mực cho vai trò lãnh đạo có trách nhiệm trong ngành công nghệ.

ESG là những yếu tố tạo nên sức mạnh của công ty

Ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó chủ tịch ASOCIO – chia sẻ câu chuyện thực thi ESG từ kinh nghiệm của chính tập đoàn công nghệ nơi ông đang làm việc.

Theo ông, ESG là những yếu tố tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp. Khi thương thảo với các đối tác nước ngoài lớn, các doanh nghiệp Việt Nam luôn được hỏi về ESG. Nếu không quản trị doanh nghiệp theo hướng ESG thì không có cơ hội hợp tác với họ. “ESG là sức mạnh để doanh nghiệp phát huy giá trị cốt lõi chứ không phải là trang sức”, ông Khoa khẳng định.

ESG đem lại niềm tin, thương hiệu, đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tranh, sự khác biệt cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người đứng đầu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi ESG, đặc biệt trong cách ứng xử với nhân viên.

Quản trị theo định hướng ESG, doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu? - 3
Ông Nguyễn Văn Khoa với phần tham luận truyền cảm hứng về câu chuyện của chính Tập đoàn FPT – nơi ông đang làm Tổng giám đốc (Ảnh: Nam Anh).

Chia sẻ về lý do triển khai ESG, ông Nguyễn Văn Khoa cho biết doanh nghiệp muốn nắm bắt cơ hội, giảm rủi ro. Tập đoàn này có mặt trên 31 quốc gia và vùng lãnh thổ, do đó khi ký hợp đồng với khách hàng, việc đầu tiên họ đòi hỏi là phải tuân thủ ESG, trước hết là tôn trọng quyền bình đẳng giới, thời gian làm việc… Nếu doanh nghiệp đáp ứng mới ký được hợp đồng với khách hàng.

“Khi triển khai ESG, có 3 yếu tố quan trọng với doanh nghiệp. Thứ nhất là tính quan trọng với tổ chức và chiến lược kinh doanh. Thứ hai là tính cấp thiết và cuối cùng là khả năng thực hiện đề án”, ông nói và nhấn mạnh ESG không phải là một món trang sức.

Khi thực thi ESG, quyết tâm của người đứng đầu vô cùng quan trọng. Đó là xác định vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp và điểm khác biệt so với đối thủ. Ngoài ra, ông cho biết phải luôn xác định ESG sẽ tạo nên sức mạnh để phát huy giá trị cốt lõi, cần đưa ESG vào trong tầm nhìn, vào sứ mệnh của doanh nghiệp.

“Khi đã xác định mục tiêu, cách thức tiếp cận, doanh nghiệp tập trung 4 định hướng: quản trị xuất sắc; tạo môi trường làm việc đẳng cấp và hạnh phúc; môi trường xanh; trách nhiệm vì cộng đồng”, ông Khoa nói.

Nhờ thực hiện theo 4 định hướng đã đề ra, lãnh đạo tập đoàn này cho biết hoạt động kinh doanh của tập đoàn giữ tốc độ tăng trưởng tốt, trung bình 3 năm tăng gấp đôi về quy mô, doanh thu, lợi nhuận. Ông Khoa nhấn mạnh ESG đã góp phần giúp doanh nghiệp đảm bảo tăng trưởng bền vững.

“ESG không phải một món thời trang mà hãy coi ESG đem lại môi trường làm việc hạnh phúc và thực hiện ESG không phải dễ dàng. Do đó, doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ các kiến thức kinh nghiệm với mong muốn đóng góp cho xã hội trong tương lai”, ông bày tỏ.

Hội thảo “Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG – Làm gì, từ đâu?” là sự kiện vệ tinh, nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí tổ chức từ năm 2024.

Diễn đàn ESG Việt Nam có nhiều hoạt động trong năm nhằm thúc đẩy và phát triển chuẩn mực ESG, gồm các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn kết hợp lễ vinh danh, cuộc thi viết Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững.

Ban tổ chức kỳ vọng với sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam cũng như các địa phương quan tâm tới phát triển bền vững, Diễn đàn sẽ được tổ chức thường niên, nhằm đồng hành cùng cơ quan quản lý, cộng đồng, doanh nghiệp nhân rộng mô hình phát triển bền vững, mang lại giá trị tích cực cho môi trường, xã hội, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.
(Nguồn: Phương Liên và  Thảo Thu, Báo Dân Trí)

Để lại bình luận

Đã thêm vào giỏ hàng

0 Scroll
0388 295 585
0388295585