ESG là công cụ để quản lý hiệu quả hơn, giúp tạo ra tiền. Các chuyên gia đã nhấn mạnh như trên tại hội thảo “Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG – Làm gì, từ đâu?” tổ chức ngày hôm nay, 29-8.
Chuyển động theo ESG có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn xanh
Theo nhà báo Phạm Tuấn Anh – tổng biên tập báo Dân Trí, đơn vị tổ chức hội thảo, chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự phát triển bền vững không còn là một lựa chọn, mà là một yêu cầu tất yếu. Các doanh nghiệp không chỉ cần tạo ra lợi nhuận, mà còn phải đóng góp tích cực cho môi trường, xã hội và có một hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả. Đó chính là tinh thần của ESG – môi trường, xã hội và quản trị.
Từ trước đến nay, quản trị doanh nghiệp thường được coi là một khoản gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ý kiến lại cho rằng quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG có thể là một yếu tố tạo ra lợi nhuận, vì nếu quản trị tốt thì doanh nghiệp không những vừa có thể tiết giảm được chi phí mà còn có thể xây dựng tạo lợi nhuận bền vững.
TS Bùi Thanh Minh – phó giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) – chia sẻ rằng thực hành ESG toàn cầu có áp lực đối với doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên ESG là xu hướng của thế giới. Khi chuyển động theo ESG có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn xanh – dù không rẻ nhưng là vốn trung và dài hạn.
ESG là công cụ để quản lý hiệu quả hơn, tạo ra tiền
PGS.TS Nguyễn Đức Trung – hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP.HCM – cho biết để làm ESG, tiền là một trong những vấn đề quan trọng. Quan trọng hơn nữa là bao nhiêu tiền và dòng tiền đến đúng đích không. Quản lý chi phí là điều chủ doanh nghiệp cần lưu ý.
Ví dụ, tại Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, ban giám hiệu nghĩ đến năng lượng sạch và lắp điều hòa, sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời. Nhờ điện mặt trời có thể mở điều hòa thoải mái, tiết kiệm chi phí.
“Câu chuyện ESG là công cụ để quản lý hiệu quả hơn, tạo ra tiền, chứ không chỉ là quản lý chi phí”, ông Trung nhấn mạnh.
Để doanh nghiệp quản trị theo định hướng ESG, TS Bùi Thanh Minh cho biết khi thực hành ESG có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau về ESG. Trước tiên, phải phân tích mô hình kinh doanh, tác động và mục đích của việc thực hành ESG.
Nếu thực hành ESG để mở rộng thị trường, có thể học hỏi từ các doanh nghiệp tiên phong, nghiên cứu trước xem doanh nghiệp tiên phong làm như thế nào. Trong bản báo cáo phải thể hiện thế nào cho nhà đầu tư, nhà mua, khách hàng, cổ động… thuyết phục về số liệu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam thường sử dụng phương pháp “AC” hay còn gọi là áng chừng, nên khi xảy ra vấn đề không biết nó ở chỗ nào.
“Doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều khó khăn nên khi chi ra 1 đồng thì phải tính toán. Trước tiên, doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật, sau đó phải tính đến tích hợp. Khi nhìn thấy bài toán lớn, mọi người có thể chia sẻ nguồn lực, chung tay truyền thông.
Chúng ta liệu cơm gắp mắm, có nguồn lực ở mức độ nào thì thực hành ở mức độ đó, miễn là chúng ta không nói quá phần mình làm được”, ông Minh chia sẻ thêm.