Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA). Theo đó, việc mua bán điện sẽ được thực hiện theo 2 hình thức gồm qua đường dây kết nối riêng và lưới quốc gia (qua EVN).

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) - Ảnh minh họa

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) – Ảnh minh họa

Cụ thể, mua bán điện qua đường dây kết nối riêng là hoạt động ký hợp đồng mua bán điện và giao nhận điện năng qua đường dây kết nối riêng giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. Với hình thức này, Nghị định quy định đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn thực hiện mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây kết nối riêng theo các nguyên tắc được quy định.

Các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sẽ gồm: Điện mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu và hệ thống điện mặt trời mái nhà. Các dự án này không giới hạn về công suất nhưng phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực, hoặc được miễn trừ giấy phép theo quy định. Khách hàng sử dụng điện lớn sẽ là tổ chức, cá nhân mua điện với sản lượng tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh/tháng trở lên.

Giá bán điện trực tiếp được mua qua đường dây riêng do hai bên tự thoả thuận với nhau. Với phần điện dư thừa, bên phát điện có thể bán lại cho EVN qua hợp đồng mua bán, quy định về công suất, sản lượng, giá. Còn bên mua điện, ngoài mua trực tiếp từ bên phát năng lượng tái tạo, được mua bán điện với Tổng công ty Điện lực, hoặc đơn vị bán lẻ điện không phải Tổng công ty Điện lực.

Chính sách này được cho sẽ là cơ sở giúp tháo gỡ

Chính sách này được cho sẽ là cơ sở giúp tháo gỡ “điểm nghẽn” về điện năng lượng tái tạo hiện nay – Ảnh minh họa

Về hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, Nghị định cũng quy định rõ việc bán điện của đơn vị phát điện năng lượng tái tạo qua thị trường điện giao ngay và việc mua bán điện với Tổng công ty điện lực.

Theo quy định, giá thị trường điện giao ngay là giá thị trường điện toàn phần được hình thành theo từng chu kỳ giao dịch của thị trường điện giao ngay và được xác định bằng tổng của giá điện năng thị trường và giá công suất thị trường. Trong đó, giá điện năng thị trường và giá công suất thị trường được xác định theo Quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành…

Nhìn nhận về chính sách đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, đây là cơ sở quan trọng để phát triển, hoàn thiện thị trường điện trên cả ba giác độ: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh, là bước đi cần thiết để Việt Nam chuyển mạnh sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và trung hòa carbon.

Theo ông Ngô Đức Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, đây là quyết sách quan trọng, tháo gỡ được nhiều nút thắt trong quản lý, vận hành điện tái tạo. Đặc biệt là tháo gỡ “điểm nghẽn” cho nhiều dự án năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn, song bị ngưng trong vô vọng lâu nay.

Dự báo, sẽ có nhiều nhà buôn điện, đầu tư đường dây, đứng ra mua gom điện mặt trời trong các khu công nghiệp để bán lẻ cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng. Điều này rất cần thiết, giúp doanh nghiệp được cấp tín chỉ carbon gắn trên sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Quan trọng là giá thỏa thuận giữa bên bán và bên mua, giải quyết được vấn đề áp lực lưới cho EVN. Hiện cả nước có hơn 100.000 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 9.500 MW.

Trong khi đó, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao…, rất nhiều doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận năng lượng tái tạo. Muốn vậy, việc tham gia cơ chế DPPA để mua điện trực tiếp từ trong các khu, cụm này sẽ tăng trong thời gian tới. Qua đó, con đường giảm khí phát thải, mô hình xanh hóa trong các khu công nghiệp sẽ được hưởng ứng tích cực và thuận lợi hơn.

Cũng theo ông Lâm, cơ chế DPPA nên được áp dụng càng sớm càng tốt để hỗ trợ nguồn cũng như tạo điều kiện cho khách hàng dùng điện lớn có nhu cầu mua điện trực tiếp triển khai ngay. Bên cạnh đó, dù truyền tải điện qua đường dây riêng hay qua lưới điện quốc gia, cũng phải bảo đảm an toàn lưới điện. Nên có cơ chế, chính sách liên quan điều độ phù hợp, bởi nguồn cung năng lượng tái tạo ngày càng tăng. Về lâu dài, cần thiết có trung tâm phát điện năng lượng tái tạo quốc gia, có thể đặt tại miền Trung – khu vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nguồn điện tái tạo.

Còn theo bà Nguyễn Phương Mai – Chuyên gia độc lập về Năng lượng tái tạo, trước đây, các dự án phát triển năng lượng, đối tượng bán thì chỉ có thể bán cho EVN, là đối tượng mua điện duy nhất. Nhưng với Nghị định này, người mua sẽ phong phú hơn, đó là những người tiêu thụ trực tiếp và có nhu cầu sử dụng điện năng lượng tái tạo, không chỉ là EVN.

Đánh giá cao những nội dung chính sách, không ít ý kiến doanh nghiệp cũng cho hay, cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ không chỉ khuyến khích nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, mà còn giúp các doanh nghiệp sản xuất sớm có được chứng chỉ năng lượng tái tạo, chứng chỉ giảm phát thải carbon – điều kiện để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.